Phố cũ
Vẫn con đường nhỏ xinh dài chưa đầy 200m mà rợp bóng cây từ đầu phố đến cuối phố.Đây rồi cây sấu già trước cổng khu tập thể. Nhớ năm xưa, mùa sấu ra hoa, đi đâu về đến cổng là ngửi thấy mùi hoa thanh mát, dìu dịu. Sau mỗi đêm, hoa sấu rụng trắng mặt đất. Cô bạn thân cảm tác bài thơ về hoa sấu có câu "ngàn vì sao rớt xuống từ đêm". Cứ mỗi mùa sấu, trẻ con cả khu tập thể hóng đợi mùa quả. Chẳng phải hóng để được ăn, mà là để thu hoạch bán lấy tiền liên hoan cuối hè. Chỉ được nhặt những quả hơi dập, hoặc quả non bị rụng về chấm muối. Đúng là trẻ con thời thiếu thốn, sấu chua vô cùng mà cứ nhai rau ráu một cách ngon lành. Ngước lên vòm sấu, tưởng tượng lại cảnh một chú đang cầm hèo ngoắc từng chùm sấu, lũ trẻ đứng dưới gốc hau háu ngước lên. Rồi mỗi khi có sấu rụng xuống là cả lũ chạy xô ra, tranh nhau nhặt, có khi còn cãi nhau. Để rồi cuối buổi, đứa nào đứa nấy ngồi đếm xem ai nhặt được nhiều hơn.Cây sấu già đã chứng kiến biết bao cảnh sinh hoạt tập thể thời bao cấp. Nhà tập thể 3 tầng, mỗi căn chỉ vẻn vẹn 18m2. Mọi sinh hoạt khác như nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh đều công cộng và phải đi xuống mặt đất. Lũ trẻ tập thể cứ đến giờ là hò nhau cùng đi vo gạo, rửa rau... Tết đến, thì rửa lá, đãi đỗ chuẩn bị nấu bánh chưng. Trời lạnh căm căm mà đứa nào má cũng ửng hồng vì vừa làm vừa buôn nổ như ngô rang. Thích nhất là ngồi luộc bánh chưng dưới gốc cây sấu. Bọn trẻ con cứ tranh người lớn đòi thức nửa đầu của đêm để còn tụ tập “chơi tú lơ khơ bôi râu”, lại thêm khoản nướng ngô, khoai, sắn. Bánh chưng cả khu cũng đều luộc chung. Hồi ấy các cụ ông đều là bộ đội nên thửa được những cái thùng phuy quân dụng to đại tướng. Mỗi thùng chứa khoảng ba mươi, bốn mươi chiếc. Bánh mỗi nhà đều có đánh dấu riêng để khỏi lẫn. Chuyện đánh dấu xanh đỏ tím vàng, dây thừng, dây vải này thường là đặc quyền của lũ trẻ, nhất là bọn con gái.Lại bật cười nhớ trò "gội đầu tập thể". Cứ cách hai, ba hôm, lũ con gái tóc dài lại rủ nhau nhặt lá sấu rụng, rửa sạch, đem nấu lên rồi bưng ra giữa sân. Mỗi đứa một nồi, một chậu, một ghế gỗ. Vừa gội đầu lại vừa buôn, vui như Tết. Xưa chỉ gội cùng lá sấu (cùng lắm thêm nửa quả chanh) mà mái tóc cứ xanh mướt. Cũng không biết có phải gội đầu bằng lá sấu nhiều quá nên tóc tôi vừa dày, vừa đen?! Cách khu tập thể không xa là hàng cây hoa sữa cứ đúng hẹn tháng 10 sẽ bắt đầu mùa ra hoa. Ngày ấy, dưới những cây hoa sữa này, lần đầu tiên bập bẹ tiếng yêu; lần đầu tiên trái tim run rẩy như chiếc lá chao nghiêng; lần đầu tiên biết thế nào là đưa đón… Có xe đạp không đi mà lại một tay dắt xe, một tay nắm tay người khác để kéo dài con đường về đến trước cổng nhà… Phố cũ còn đây, người năm ấy đã ở phương trời nào? Kỷ niệm chìm trong bụi phủ thời gian tưởng chừng đã nhòa đi giờ chỉ cần một cơn gió heo may là thổi hết dấu vết thời gian. Dường như chỉ chờ một chiếc lá khẽ khàng chạm vào là chiếc hộp ký ức sẽ mở tung ra, bao nhiêu ký ức lại ứa tràn… Phố cũ còn đây, kỷ niệm còn đây. Phố nhỏ ơi, sẽ còn trở về đây! Adblock test (Why?)
Vẫn con đường nhỏ xinh dài chưa đầy 200m mà rợp bóng cây từ đầu phố đến cuối phố.
Đây rồi cây sấu già trước cổng khu tập thể. Nhớ năm xưa, mùa sấu ra hoa, đi đâu về đến cổng là ngửi thấy mùi hoa thanh mát, dìu dịu. Sau mỗi đêm, hoa sấu rụng trắng mặt đất. Cô bạn thân cảm tác bài thơ về hoa sấu có câu "ngàn vì sao rớt xuống từ đêm". Cứ mỗi mùa sấu, trẻ con cả khu tập thể hóng đợi mùa quả. Chẳng phải hóng để được ăn, mà là để thu hoạch bán lấy tiền liên hoan cuối hè. Chỉ được nhặt những quả hơi dập, hoặc quả non bị rụng về chấm muối. Đúng là trẻ con thời thiếu thốn, sấu chua vô cùng mà cứ nhai rau ráu một cách ngon lành. Ngước lên vòm sấu, tưởng tượng lại cảnh một chú đang cầm hèo ngoắc từng chùm sấu, lũ trẻ đứng dưới gốc hau háu ngước lên. Rồi mỗi khi có sấu rụng xuống là cả lũ chạy xô ra, tranh nhau nhặt, có khi còn cãi nhau. Để rồi cuối buổi, đứa nào đứa nấy ngồi đếm xem ai nhặt được nhiều hơn.
Cây sấu già đã chứng kiến biết bao cảnh sinh hoạt tập thể thời bao cấp. Nhà tập thể 3 tầng, mỗi căn chỉ vẻn vẹn 18m2. Mọi sinh hoạt khác như nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh đều công cộng và phải đi xuống mặt đất. Lũ trẻ tập thể cứ đến giờ là hò nhau cùng đi vo gạo, rửa rau... Tết đến, thì rửa lá, đãi đỗ chuẩn bị nấu bánh chưng. Trời lạnh căm căm mà đứa nào má cũng ửng hồng vì vừa làm vừa buôn nổ như ngô rang. Thích nhất là ngồi luộc bánh chưng dưới gốc cây sấu. Bọn trẻ con cứ tranh người lớn đòi thức nửa đầu của đêm để còn tụ tập “chơi tú lơ khơ bôi râu”, lại thêm khoản nướng ngô, khoai, sắn. Bánh chưng cả khu cũng đều luộc chung. Hồi ấy các cụ ông đều là bộ đội nên thửa được những cái thùng phuy quân dụng to đại tướng. Mỗi thùng chứa khoảng ba mươi, bốn mươi chiếc. Bánh mỗi nhà đều có đánh dấu riêng để khỏi lẫn. Chuyện đánh dấu xanh đỏ tím vàng, dây thừng, dây vải này thường là đặc quyền của lũ trẻ, nhất là bọn con gái.
Lại bật cười nhớ trò "gội đầu tập thể". Cứ cách hai, ba hôm, lũ con gái tóc dài lại rủ nhau nhặt lá sấu rụng, rửa sạch, đem nấu lên rồi bưng ra giữa sân. Mỗi đứa một nồi, một chậu, một ghế gỗ. Vừa gội đầu lại vừa buôn, vui như Tết. Xưa chỉ gội cùng lá sấu (cùng lắm thêm nửa quả chanh) mà mái tóc cứ xanh mướt. Cũng không biết có phải gội đầu bằng lá sấu nhiều quá nên tóc tôi vừa dày, vừa đen?!
Cách khu tập thể không xa là hàng cây hoa sữa cứ đúng hẹn tháng 10 sẽ bắt đầu mùa ra hoa. Ngày ấy, dưới những cây hoa sữa này, lần đầu tiên bập bẹ tiếng yêu; lần đầu tiên trái tim run rẩy như chiếc lá chao nghiêng; lần đầu tiên biết thế nào là đưa đón… Có xe đạp không đi mà lại một tay dắt xe, một tay nắm tay người khác để kéo dài con đường về đến trước cổng nhà… Phố cũ còn đây, người năm ấy đã ở phương trời nào?
Kỷ niệm chìm trong bụi phủ thời gian tưởng chừng đã nhòa đi giờ chỉ cần một cơn gió heo may là thổi hết dấu vết thời gian. Dường như chỉ chờ một chiếc lá khẽ khàng chạm vào là chiếc hộp ký ức sẽ mở tung ra, bao nhiêu ký ức lại ứa tràn… Phố cũ còn đây, kỷ niệm còn đây. Phố nhỏ ơi, sẽ còn trở về đây!