Hơi ấm ngày xưa
Dẫu đang bước vào mùa hè nhưng thời tiết ở Sài Gòn lại chẳng tuân theo một quy luật nào cả. Có những ngày mặt trời còn chưa ló dạng ở phía bên kia ô cửa sổ, cái nóng đã thấm vào trong từng ngóc ngách của căn phòng, mồ hôi cũng theo đó mà túa ra trên trán. Cũng có những ngày, ánh nắng vừa mới dịu đi, mây đen còn chưa kịp giăng kín cả bầu trời, một trận mưa đã ào ào trút xuống. Những lúc đó, dòng người liền hối hả như nêm, đường phố bỗng chốc tắc nghẽn, chẳng thể nhìn rõ con đường ở phía trước. Trở về sau một cuộc “chạy đua” với bao nhiêu khuôn mặt xa lạ, vừa bước chân vào phòng, tôi đã nằm úp xuống, thở hắt ra một hơi dài. Bon chen nơi phố thị không người thân thích, dẫu lâu dần cũng quen nhưng lại chẳng thể tránh được những ngày lòng trống rỗng, cô đơn đến lạ. Từ trên chiếc ghế sofa cũ nhìn ra bên ngoài qua cánh cửa nhỏ, tôi lại nhớ về những ngày xưa, phút giây còn được quây quần bên gia đình. Hôm đó cũng là một ngày mưa tầm tã như bây giờ. Tiếng trống trường vừa vang lên, tôi theo đám bạn ôm cặp ra về. Vừa đi ra khỏi cửa lớp, gió đã thốc vào mặt, kèm theo đó là cái lạnh của một buổi chiều mưa rả rích lướt qua trên da thịt. Vội vàng lấy cái áo mưa từ trong cặp ra, tôi mang vào rồi cứ vậy mà đi về nhà. Đắm mình trong làn nước mưa đang tuôn xuống không ngừng, tôi cảm nhận được thanh âm tí tách của chúng khi rơi trên người mình rồi hòa vào dòng nước đang chảy trên mặt đường. Đi bên cạnh mấy đứa bạn, thỉnh thoảng tôi lại xuýt xoa, run lên vì lạnh. Trong một ngày mưa, con đường từ trường về nhà không xa nhưng cũng đủ để thúc giục đôi chân tôi vội bước. Bên cạnh phần đường dành cho người đi bộ, thỉnh thoảng vài chiếc xe máy lại tăng tốc phóng nhanh qua khiến nước bắn tứ tung, lúc ấy bọn trẻ chúng tôi liền hét toáng lên rồi kết thúc bằng một trận cười giòn giã. Có lẽ, những hạt mưa đang bay ấy cũng mỉm cười, thanh âm của chúng từ từ lẫn vào trong cuộc trò chuyện của bọn học trò chúng tôi. Về đến nhà, tôi thấy cửa đã hé mở một bên, kèm theo đó là ánh nhìn chăm chú của mẹ. Thấy tôi, mẹ liền vẫy vẫy tay gọi tôi vào nhà. Cởi bỏ lớp áo mưa vướng víu, tôi đưa cho mẹ treo lên, còn mình thì cất cặp sách trong phòng. Lúc ấy, mẹ dịu dàng nói: “Tắm rửa đi rồi ăn cơm con.” Tôi đáp lời rồi mang theo áo quần chạy vào nhà tắm, để lại tiếng bước chân ở phía sau, cùng tiếng nước chảy vang lên ngay sau đó. Khi tôi trở ra, cơm nước đã dọn sẵn trên bàn. Trời nhá nhem tối, tôi ngồi quây quần bên bố mẹ, bắt đầu bữa cơm. Vừa mới cầm đôi đũa trên tay, tiếng sét đã rạch ngang trên bầu trời, một tia sáng vụt qua rồi biến mất, ánh điện trên trần nhà cũng theo đó mà tắt ngấm. Một lúc sau, căn nhà liền được thắp sáng bằng những ngọn nến, cảm giác như thứ ánh sáng ấm áp ấy đang vây quanh chúng tôi. Bên cạnh mâm cơm, vẫn là những câu chuyện nhỏ nhặt thường ngày như chuyện đi học, đi làm hay con trai bác nhà bên cạnh sắp cưới vợ,… nhưng qua giọng kể của các thành viên trong gia đình lúc nào cũng thu hút, khiến tôi chăm chú dõi theo. Mọi người vừa ăn cơm vừa nói chuyện, bên ngoài mưa vẫn miệt mài tuôn rơi, một hình ảnh đã vốn in sâu vào tâm trí, thỉnh thoảng lại sống dậy trong ký ức tuổi thơ tôi. Như thường lệ, ăn cơm tối xong gia đình tôi đi lên nhà trên, ngồi kể cho nhau nghe về những việc làm ngày mai. Lúc này, đèn điện bật sáng, âm thanh từ chiếc tivi cũ cũng phát ra. Chọn kênh VTV3 quen thuộc, cả gia đình chăm chú theo dõi bộ phim còn dang dở, rồi cùng cười nói về những gì đang diễn ra trước mắt mình. Hình ảnh sống động, những thước phim quay chậm như gợi ra một cảm xúc khó tả không nói thành lời. Chỉ cần được ở bên gia đình, giây phút nào cũng thật đáng quý. Màn đêm buông xuống, mưa thôi rơi, gia đình bốn người chúng tôi cùng nhau chen chúc trên một chiếc giường. Giữa mùa mưa kéo dài, hơi ấm của tình yêu thương đã nhóm lên trong tôi một niềm hy vọng về tương tai tốt đẹp hơn. Không gian lặng đi đôi chút, bóng đêm kéo tôi vào những giấc mộng yên bình. Ở đó, tôi có bố, có mẹ, có em gái cùng dắt tay nhau đi về phía mặt trời, nơi ánh sáng vẫy gọi. Thuở nhỏ, ai cũng mong muốn được mau mau trưởng thành, lớn rồi thì có thể tự do làm những điều mình thích. Ấy vậy mà khi thời gian trôi qua, chúng ta lại muốn trở về làm những đứa trẻ ngây ngô, dại khờ để được ở mãi trong vòng tay của bố mẹ. Cuộc sống là vậy, thời gian cứ chảy trôi mãi về phía trước, lúc bạn có được những điều mình hằn mơ ước cũng là lúc nhận ra mình đánh mất đi nhiều thứ. Có lẽ trong cuộc sống này, thứ người ta nhớ nhất về những năm tháng tuổi thơ chính là kỷ niệm và khao khát cái gọi là “hơi ấm ngày xưa” – điều mà mãi mãi chẳng tìm lại được nữa. Và nếu có thể, tôi ước gì mình có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn để không phải hối tiếc như bây giờ. Ai rồi cũng phải trưởng thành, liệu có mấy người còn nhớ về những năm tháng tuổi thơ êm đềm ấy? Tác giả Trần Hàn Xem thêm tản văn viết bởi tác giả Trần Hàn trên Văn học trẻ: Hơi ấm ngày xưa – Tản văn hay Văn học trẻ Bàn luận ngắn của BTV về tản văn “Hơi ấm ngày xưa” Nhiều điều trong kí ức lúc ta trải qua cứ ngỡ là điều bình thường
Dẫu đang bước vào mùa hè nhưng thời tiết ở Sài Gòn lại chẳng tuân theo một quy luật nào cả. Có những ngày mặt trời còn chưa ló dạng ở phía bên kia ô cửa sổ, cái nóng đã thấm vào trong từng ngóc ngách của căn phòng, mồ hôi cũng theo đó mà túa ra trên trán. Cũng có những ngày, ánh nắng vừa mới dịu đi, mây đen còn chưa kịp giăng kín cả bầu trời, một trận mưa đã ào ào trút xuống. Những lúc đó, dòng người liền hối hả như nêm, đường phố bỗng chốc tắc nghẽn, chẳng thể nhìn rõ con đường ở phía trước.
Trở về sau một cuộc “chạy đua” với bao nhiêu khuôn mặt xa lạ, vừa bước chân vào phòng, tôi đã nằm úp xuống, thở hắt ra một hơi dài. Bon chen nơi phố thị không người thân thích, dẫu lâu dần cũng quen nhưng lại chẳng thể tránh được những ngày lòng trống rỗng, cô đơn đến lạ. Từ trên chiếc ghế sofa cũ nhìn ra bên ngoài qua cánh cửa nhỏ, tôi lại nhớ về những ngày xưa, phút giây còn được quây quần bên gia đình.
Hôm đó cũng là một ngày mưa tầm tã như bây giờ. Tiếng trống trường vừa vang lên, tôi theo đám bạn ôm cặp ra về. Vừa đi ra khỏi cửa lớp, gió đã thốc vào mặt, kèm theo đó là cái lạnh của một buổi chiều mưa rả rích lướt qua trên da thịt. Vội vàng lấy cái áo mưa từ trong cặp ra, tôi mang vào rồi cứ vậy mà đi về nhà.
Đắm mình trong làn nước mưa đang tuôn xuống không ngừng, tôi cảm nhận được thanh âm tí tách của chúng khi rơi trên người mình rồi hòa vào dòng nước đang chảy trên mặt đường. Đi bên cạnh mấy đứa bạn, thỉnh thoảng tôi lại xuýt xoa, run lên vì lạnh.
Trong một ngày mưa, con đường từ trường về nhà không xa nhưng cũng đủ để thúc giục đôi chân tôi vội bước. Bên cạnh phần đường dành cho người đi bộ, thỉnh thoảng vài chiếc xe máy lại tăng tốc phóng nhanh qua khiến nước bắn tứ tung, lúc ấy bọn trẻ chúng tôi liền hét toáng lên rồi kết thúc bằng một trận cười giòn giã. Có lẽ, những hạt mưa đang bay ấy cũng mỉm cười, thanh âm của chúng từ từ lẫn vào trong cuộc trò chuyện của bọn học trò chúng tôi.
Về đến nhà, tôi thấy cửa đã hé mở một bên, kèm theo đó là ánh nhìn chăm chú của mẹ. Thấy tôi, mẹ liền vẫy vẫy tay gọi tôi vào nhà. Cởi bỏ lớp áo mưa vướng víu, tôi đưa cho mẹ treo lên, còn mình thì cất cặp sách trong phòng. Lúc ấy, mẹ dịu dàng nói: “Tắm rửa đi rồi ăn cơm con.” Tôi đáp lời rồi mang theo áo quần chạy vào nhà tắm, để lại tiếng bước chân ở phía sau, cùng tiếng nước chảy vang lên ngay sau đó.
Khi tôi trở ra, cơm nước đã dọn sẵn trên bàn. Trời nhá nhem tối, tôi ngồi quây quần bên bố mẹ, bắt đầu bữa cơm. Vừa mới cầm đôi đũa trên tay, tiếng sét đã rạch ngang trên bầu trời, một tia sáng vụt qua rồi biến mất, ánh điện trên trần nhà cũng theo đó mà tắt ngấm. Một lúc sau, căn nhà liền được thắp sáng bằng những ngọn nến, cảm giác như thứ ánh sáng ấm áp ấy đang vây quanh chúng tôi. Bên cạnh mâm cơm, vẫn là những câu chuyện nhỏ nhặt thường ngày như chuyện đi học, đi làm hay con trai bác nhà bên cạnh sắp cưới vợ,… nhưng qua giọng kể của các thành viên trong gia đình lúc nào cũng thu hút, khiến tôi chăm chú dõi theo. Mọi người vừa ăn cơm vừa nói chuyện, bên ngoài mưa vẫn miệt mài tuôn rơi, một hình ảnh đã vốn in sâu vào tâm trí, thỉnh thoảng lại sống dậy trong ký ức tuổi thơ tôi.
Như thường lệ, ăn cơm tối xong gia đình tôi đi lên nhà trên, ngồi kể cho nhau nghe về những việc làm ngày mai. Lúc này, đèn điện bật sáng, âm thanh từ chiếc tivi cũ cũng phát ra. Chọn kênh VTV3 quen thuộc, cả gia đình chăm chú theo dõi bộ phim còn dang dở, rồi cùng cười nói về những gì đang diễn ra trước mắt mình. Hình ảnh sống động, những thước phim quay chậm như gợi ra một cảm xúc khó tả không nói thành lời. Chỉ cần được ở bên gia đình, giây phút nào cũng thật đáng quý.
Màn đêm buông xuống, mưa thôi rơi, gia đình bốn người chúng tôi cùng nhau chen chúc trên một chiếc giường. Giữa mùa mưa kéo dài, hơi ấm của tình yêu thương đã nhóm lên trong tôi một niềm hy vọng về tương tai tốt đẹp hơn. Không gian lặng đi đôi chút, bóng đêm kéo tôi vào những giấc mộng yên bình. Ở đó, tôi có bố, có mẹ, có em gái cùng dắt tay nhau đi về phía mặt trời, nơi ánh sáng vẫy gọi.
Thuở nhỏ, ai cũng mong muốn được mau mau trưởng thành, lớn rồi thì có thể tự do làm những điều mình thích. Ấy vậy mà khi thời gian trôi qua, chúng ta lại muốn trở về làm những đứa trẻ ngây ngô, dại khờ để được ở mãi trong vòng tay của bố mẹ. Cuộc sống là vậy, thời gian cứ chảy trôi mãi về phía trước, lúc bạn có được những điều mình hằn mơ ước cũng là lúc nhận ra mình đánh mất đi nhiều thứ. Có lẽ trong cuộc sống này, thứ người ta nhớ nhất về những năm tháng tuổi thơ chính là kỷ niệm và khao khát cái gọi là “hơi ấm ngày xưa” – điều mà mãi mãi chẳng tìm lại được nữa. Và nếu có thể, tôi ước gì mình có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn để không phải hối tiếc như bây giờ. Ai rồi cũng phải trưởng thành, liệu có mấy người còn nhớ về những năm tháng tuổi thơ êm đềm ấy?
Tác giả Trần Hàn
Xem thêm tản văn viết bởi tác giả Trần Hàn trên Văn học trẻ:
Bàn luận ngắn của BTV về tản văn “Hơi ấm ngày xưa”
Nhiều điều trong kí ức lúc ta trải qua cứ ngỡ là điều bình thường nhưng sau này lớn lên, biết vui buồn lạnh lẽo của cuộc sống mới nhận ra là hơi ấm ngày xưa thật quý giá, nhưng cũng đã trở thành một kỉ niệm chỉ còn biết khao khát nhớ. Tản văn là những nỗi niềm suy tư của tác giả Trần Hàn về những êm đẹp vô lo vô nghĩ của tuổi thơ để rồi đưa ra chân lí: “Chỉ cần được ở bên gia đình, giây phút nào cũng thật đáng quý.”
Ai rồi cũng phải trưởng thành, liệu có mấy người còn nhớ về những năm tháng tuổi thơ êm đềm ấy? – Cuối tản văn “Hơi ấm ngày xưa” tác giả đã viết như thế? Liệu có đúng với bạn không?